VĂN VÔ ĐỆ NHẤT - VÕ VÔ ĐỆ NHỊ

VĂN VÔ ĐỆ NHẤT - VÕ VÔ ĐỆ NHỊ

Người xưa có nói câu này nhằm muốn ám chỉ, là người học võ tầm thường về đức độ và đạo hạnh thì khó mà chấp nhận mình đứng thứ 2. Sự háo thắng của người học võ chưa đến nơi đến chốn và đạo đức đạo hạnh kém rất thích khoe khoang, rất thích thể hiện, rất thích chứng tỏ ta đây là đệ nhất. Gặp người trong cùng làng võ thì muốn thách đấu, thích hơn thua để thể hiện sức mạnh của bản thân, đây là lý do vì sao câu nói “Võ vô đệ nhị” lại trở thành kinh điển trong giới võ thuật và võ đạo.

Tôi may mắn được các bậc ân sư hướng dẫn võ đức từ những ngày nhập môn. Đó là không được ta đây ngã mạn tự cao khi gặp bất cứ ai, chứ đừng nói là gặp người học võ và luyện võ, nhất là dân Kungfu với những sở học sở luyện hại người thâm sâu bí hiểm. Mặc dù được các bậc ân sư hướng dẫn là như thế ngay từ những ngày bắt đầu theo học võ, nhưng vì là hồi “trẻ trâu “ nên vẫn rất hay thể hiện “tinh thần bất hảo khoe khoang háo thắng”. Hồi học cấp hai cấp ba, chỉ cần thấy “ngứa mắt” là vung tay chân như điện  không cần nói lý do, thích là đánh không cần giải thích. Dù đi học về, bà nội là người bắc luôn luôn nhắc khéo nhẹ nhàng và thâm sâu “nhớ nghe con, chưa đánh được người mặt đỏ như sung, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”. Nghe thấy thấm thấm, vì đánh thắng rồi lại thấy mình ác và thấy thương người bị mình đánh. Chưa nói đánh nhau xong bị Thầy Cô giáo bắt viết bản kiểm điểm, doạ báo phụ huynh, rồi sợ cả bị đánh lén, bị trả thù … đủ kiểu để mặt vàng như nghệ. Dù biết vậy, biết rồi khổ lắm nói mãi, nhưng đến khi vào Sài Gòn, ở ký túc xá, hội miền trung và miền tây hai phòng đánh hội đồng kinh thiên động địa, nguyên nhân chính cũng do mình thích quánh nhau mà ra, thật may là đánh nhau từ trên lầu 6 mà chưa có thằng nào rơi xuống tầng trệt, không thì cũng tiêu diêu cả lũ vì trẻ trâu háo chiến háo thắng.

Một hôm nọ, Sư phụ Nguyễn Văn Anh, tên thường gọi là Ngọc Anh, nguyên Chủ tịch Hội Võ Thuật Cổ Truyền tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó chủ tịch Liên Đoàn Võ Thuật Cổ Truyền Việt Nam, hiện Chưởng Môn Thiếu Lâm Vi Đà, phó Chưởng môn Hầu Quyền Đạo Việt Nam từ Huế vào Sài Gòn, đến ký túc xá sinh viên thăm, Sư phụ thấy học trò trên đầu giường có một thùng mì gói để lai rai cho qua ngày đoạn tháng, Sư phụ hỏi vui, con tập Kungfu đến đâu rồi, nghe Sư phụ hỏi mình hồn nhiên trả lời, bây giờ chắc con bẻ cổ đối phương là gãy đôi luôn Sư phụ ạ. Sư phụ Ngọc Anh nghe xong thất kinh hồn vía quát “tao dạy mi học võ đâu phải để đi vào tù, tao dạy mi phải xoay một cái là ra cái nhà lầu, xoay một cái là phải ra chiếc xe hơi thì mới đúng là học trò của Sư phụ chứ 

Nghe xong, mình cũng thất kinh hồn vía, trong lòng thầm cảm tạ vị Sư phụ đáng kính. Đúng thật, võ thuật chỉ là phuong tiện nhỏ để sống tốt, để sống có ích cho bản thân, cho cuộc đời, cho dân tộc, chứ học võ có phải để thể hiện để giương oai cái bản ngã thấp kém của bản thân đâu. Thật thấm thía một bài học giá trị và nhân văn trong triết lý võ thuật.

Dù nghĩ hay lắm, cứ tưởng như đã ngộ và buông bỏ thắng thua, nhưng vào một chuyến bay từ Huế vào Sài Gòn vào năm 2003, lại có một va chạm “nhỏ” tại sân bay Tân Sơn Nhất, khi đó bực mình thầm nghĩ, nếu mình có một đội quân thiện chiến bên cạnh, thì chỉ cần alo một tiếng là cả trăm người đến, đâu cần đụng tay chân chi cho mệt kiểu gì từ bây giờ, mình phải thành lập một đội quân lớn mạnh tại mãnh đất Sài Gòn phồn hoa đô thị này để phòng thân. Nói như đúng rồi, đúng hai năm sau, Công ty Bảo Vệ Giao Long ra đời tại Sài Gòn, và chỉ sau 3 năm, cả ngàn nhân viên Bảo vệ ~ Vệ sĩ xuất hiện tại Công ty Bảo vệ Giao Long tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và đường D5, quận Bình Thạnh. Vì là một Cty bảo an hiếu chiến, nổi tiếng đánh áp la cà, có hai đội chiến đấu đặc biệt là đội cơ động và đội báo đen.

Hai đội luôn luôn sãn sàng túc trực chỉ để “quánh lộn”. Vì có máu đánh nhau và không ngại va chạm, nên Công ty Bảo vệ Giao Long đã chiếm được cảm tình lớn của Công ty Hiệp Phước tại Phú Mỹ Hưng, quận 7. Khi đó tại Phú Mỹ Hưng, khu đô thị chỉ mới bắt đầu xây dựng, và may mắn thay, số lượng bảo vệ của Giao Long tại các công trường xây dụng tại Phú Mỹ Hưng có lúc lên đến gần 500 bảo vệ làm việc. Trường học Rmit do nhà thầu xây dựng Hoà Bình cũng thuê Bảo vệ Giao Long bảo vệ, trung tâm triển lãm quốc tế lớn nhất Phú Mỹ Hưng cũng do bảo vệ Giao Long thực thi nhiệm vụ, các toà nhà cao tầng và các biệt thự tại Phú Mỹ Hưng đều do Công Ty Bảo Vệ Giao Long chiếm số đông. Hầu như các công ty bảo vệ đều ngại bảo vệ công trường xây dựng vì tại công trường xây dựng đều xảy ra mất cắp kinh hoàng, các công ty bảo an không đủ bản lãnh thường bỏ của chạy lấy người vì không đủ tiền đền bù trộm cắp cướp giật. Tuy nhiên, với hoá đơn đỏ mỗi tháng hơn 1 tỷ tiền thuê bảo vệ tại Phú Mỹ Hưng gửi cho Công Ty Bảo Vệ Giao Long là một minh chứng cho sự thành công ngoài mong đợi tại riêng hợp đồng khó khăn này.

Thoả mãn cao độ khi chỉ mới 28 tuổi, khi là giám đốc là chủ một công ty bảo an có tiếng tại Sài Gòn. Chỉ cần một cuộc gọi là từ 100 đến 500 người có công cụ hỗ trợ, có đoàn xe mô tô và oto xuất hiện để “chiến”, máu háo thắng và sự ngã mạn thật sự dâng cao khi vừa có tiền vừa có anh em đông như quân nguyên luôn bên cạnh tung hô và bảo vệ. Vậy mà, một nguyên nhân đặc biệt đã xuất hiện đánh tan sự háo thắng và ngã mạn đó chính là TÂM LINH. Tôi có thể nói rằng, trước sức mạnh của tâm linh bùa chú ma quỷ thì Võ sư như tôi thời đó cũng chỉ là cọp giấy không hơn không kém.

Là một Võ sư Chưởng môn của võ phái Giao Long ~ thuộc Công ty Bảo vệ Giao Long, vừa là võ sư của 4 môn phái võ thời kỳ đó, vừa là chủ của Công ty Bảo vệ tầm cỡ, thế mà cuộc chiến tâm linh đặc biệt xuất hiện như một bước ngoặt lịch sử của cuộc đời. Có sức mạnh võ thuật, có tiền, có quyền, có 500 anh em hùng dũng luôn bên cạnh, nhưng khi bước vào thế giới tâm linh và bị ma quỷ quấy rối, tất cả những sức mạnh của Võ sư, của sức mạnh, của thế lực, của tiền tài hầu như vô vọng, không có một ý nghĩa nào, có thể nói là dù bạn có địa vị xã hội như thế nào mà bạn không có thế lực về tâm linh thì bạn vẫn là con số 0 to tướng trước các hiện tượng tâm linh bí mật và siêu khủng hoảng ập đến.

Một sát na chợt ngộ bắt đầu, một ý tưởng mới bắt đầu xuất hiện, đó là tầm sư học đạo chứ không còn là tầm sư học võ nữa. Một chân trời quang minh mới được mở ra, và cầu được ước thấy, các Lão sư đạo hạnh bắt đầu hướng dẫn các bước chân tập tễnh trên con đường đạo, và tiếp theo là các Đức Lạt ma Tây Tạng xuất hiện trong cuộc đời. Càng vào đạo hạnh tu học càng thấy mình thấp bé, càng học và tu dưỡng càng thấy mình chỉ như hạt cát trên xa mạc. Khi học đến Đạo sư Tây Tạng tên là Melarepa, con người siêu việt, tôi lại càng chứng ngộ thấm đẫm con đường của Đạo sư lỗi lạc này. Là một con người bình thường như mọi con người khác trước khi xuất gia, Ngài Melarepa lúc nhỏ đã chịu một cảnh ức hiếp vô cùng căm phẩn khi cả gia đình bố mẹ anh chị bị người họ hàng hãm hại. Vì quá bực tức nên Ngài Melarepa đã đi học một đạo phù thuỷ để báo thù.

Sau khi học xong thành tựu các môn huyền thuật giết người, Ngài Melarepa đã quay trở lại tiêu diệt kẻ thù của mình, nhưng trong cơn cuồng nộ, Ngài đã dùng huyền thuật giết chết gần cả ngôi làng vì sự căm phẫn chồng chất. Và khi đã thực hiện xong các hành vi giết hại báo thù, Ngài Melarepa thấy dân chúng chết chóc bệnh đau rên la đau khổ, Ngài đã mở lòng từ bi thương xót và hối hận với sự trả thù của mình, lúc căng thẳng và hối hận, Ngài Melarepa đã chạy đến tìm vị Thầy phù thuỷ đã dạy cho mình và khẩn cầu Thầy hướng dẫn cách để cứu người khỏi chết, khỏi đau đớn bệnh tật. Khi đó Thầy của Ngài lắc đầu và bảo rằng, tôi chỉ có thể dạy bạn hại người, còn nếu bạn muốn học cách cứu người, bạn hãy đến tìm các Lạt ma cao quý.

Từ việc học tập, nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng và theo chân các bậc Đạo sư chân chính, tôi hiểu ngộ một điều rằng, các pháp huyền thuật dù cao siêu đến đâu cũng không bằng pháp cứu giúp và trả ơn cho người cho đời. Kể cả Niết bàn cũng chỉ là một phương tiện cho sự cứu giúp và trả ơn cho tất cả chúng sanh mẹ hiền kính quý. Học chuyên sâu vào các giáo pháp của Đức Đạo Sư Liên Hoa Sanh, là Tổ sư khai sáng Phật giáo Tây Tạng, là Tổ sư của dòng truyền thừa Nyingma - Cổ Mật, được biết Đạo sư Liên Hoa Sanh là vị Đạo sư có trong tay siêu phương tiện hoành pháp cứu người, phương tiện của Đức Ngài Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) có cả thanh và tục, vẫn có vợ con, vẫn uống rượu ăn thịt và có công năng điều phục ma quỷ và độ nhân siêu phàm, tôi một lần nữa như bừng tỉnh và nhận ra một con đường sáng.

Đạo đơn giản chỉ là một con đường, con đường thì phải có bụi bẩn, phải có bùn đất cát sỏi, con đường vốn sẵn có cái dơ và cái không dơ, con đường cũng vốn có cái thanh cao và cái bất tịnh đã hình thành một cách tự nhiên như nó vốn có. Đạo hạnh nguyên bản là không cao không thấp, không hơn không kém, không thanh tịnh và không bất tịnh. Đạo hạnh vốn không trên không dưới, không trong không ngoài, không giữa và không phải không ở giữa. Vì thế trên con đường đạo hạnh, thuốc chữa lành bệnh chắc chắn là thuốc hay, đã là thuốc chữa lành bệnh thì không phân biệt thuốc thanh hay thuốc tục, thuốc ra đời từ bao lâu mà chỉ quan tâm đến hiệu dụng của thuốc mang lại.

Kể chuyện một chút để các học trò đi học Khí Công Thần Lực Giao Long và Thiếu Lâm Giao Long hiểu ngộ rằng, Võ chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích, thắng ai không quan trọng mà phải thắng chính bản thân mình đó mới là điều quan trọng nhất. Người trí tuệ trong con đường võ phải biết đến đâu là phương tiện và đâu là mục đích để vị thuốc võ thuật trở thành một phương tiện hiệu quả để đạt đến một mục đích tuyệt vời tối thượng.

Làm sao thì làm, dụng sao thì dụng, nhưng quan trọng nhất đó là đừng để một ai đó nhận xét người học võ rằng anh này chỉ có võ mà không có ruột thì chán lắm. Lúa càng cao càng cúi đầu, sông càng sâu càng chảy chậm. Người thông ngộ võ thuật và võ đạo lại càng phải khiêm hạ từ tốn, bớt khoe khoang thể hiện lại để làm rạng danh cho võ cổ truyền Việt Nam, làm rạng danh cho con người Việt Nam.

Tôi xin chân thành tri ân đến những tấm gương sáng của các bậc tiền bối trong võ thuật và võ đạo mà tôi đã gắn bó gần 20 năm qua như Đại Võ Sư Ngọc Anh, Đại Võ sư Trương Quang Kim, Đại Võ sư Lê Phước Thành, Đại Võ sư Lý Hoàng Tùng, Đại Võ sư Từ Võ Hạnh, Đại Võ sư Văn Công Định, Đại Võ sư Dư Minh Tuấn, Đại Võ sư Hoàng Phong Phillip Nguyễn. Các Đại Võ sư là các tấm gương sáng cho các bậc hậu thế noi gương trên con đường Võ thuật và Võ đạo.

Mọi sự va vấp trong đường đời và đạo hạnh chỉ thể hiện sự kinh nghiệm là trí tuệ. Không thể ngăn một giọt nước quay lại với biển cả, và không thể ngăn một Bồ đề tâm như Kim cương quay lại báo hiếu trọn vẹn cho tất cả chúng sanh mẹ hiền kính quý 

Tổ sư Jigme Linpa của dòng truyền thừa Cổ Mật Tây Tạng đã nói rằng “Ai đang từ bỏ các pháp thế gian thì tương lai chắc chắn sẽ trở thành bậc tôn quý, nhưng ai đã chứng ngộ mà vẫn quay lại với các pháp thế gian đó chính thực là bậc tôn quý”.

Khi dấn thân vào con đường cứu giúp và trả ơn cho chúng sanh mẹ hiền, tự dưng câu nói “Võ vô đệ nhị” nó như tự hoá đi vào hư không rộng lớn. Mọi sự của nguyện và hành không còn cái tôi và cái của tôi. Mọi sự nguyện và hành chỉ còn dành cho CẢM ƠN ~ GHI ƠN ~ ĐỀN ƠN chúng sanh mẹ hiền rộng sâu không bờ mé.

Đại Võ sư Huỳnh Anh Hải kính viết

Tin bài liên quan

Không có bài viết liên quan